Bà Rịa - Vũng Tàu: Diện mạo hiện đại của đô thị đáng sống hàng đầu Nam Bộ

By Khoa Tran ·26/12/2023

Sau hơn 3 thập kỷ phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu thay đổi toàn diện về hạ tầng, quy hoạch, mang đến hình ảnh tươi mới về một trong những đô thị đáng sống ở Nam Bộ.

Năm 1991, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tái lập trên cơ sở Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo. Khi tái lập tỉnh, con đường đẹp nhất thành phố Vũng Tàu là đường Hạ Long. Con đường chạy dọc theo bờ biển dài 3,8km này chỉ có khoảng gần 800m mặt đường tráng nhựa là khá tốt. Còn lại là đường đá dăm, đường ổ gà gồ ghề, lồi lõm.

30 năm sau, Bà Rịa - Vũng Tàu được xếp vào nhóm các tỉnh, thành có hạ tầng giao thông đường bộ đồng bộ và nhiều con đường đẹp nhất Việt Nam. Sự phát triển vượt bậc của thành phố biển cho thấy tính hiệu quả, đúng đắn của các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương cũng như các quyết sách của Nhà nước đối với đô thị được xem là một trong những nơi đáng sống nhất vùng Nam Bộ này.Bà Rịa - Vũng Tàu: Diện mạo hiện đại của đô thị đáng sống hàng đầu Nam Bộ - 1

Từ vùng đầm lầy thành tỉnh có nhiều con đường đẹp nhất Việt Nam

Đến thành phố Vũng Tàu và thành phố Bà Rịa, du khách hầu như không thấy cảnh kẹt xe. Về những vùng nông thôn, đường làng, đường xóm như ô bàn cờ, thoáng rộng và sạch đẹp, giảm thiểu thời gian lưu thông cho người dân.

Nhiều con đường xương sống, tuyến trục của tỉnh được nâng cấp như QL51, QL55, QL56. Những con đường chính nối các huyện, xã trong tỉnh có lượng người lưu thông lớn cũng được nhựa hóa như: tỉnh lộ 328, 329, đường Láng Cát - Long Sơn, đường tỉnh lộ 44, 52, đường Phước Bửu - Hồ Tràm…

Đường Mỹ Xuân - Ngãi Giao - Xuân Sơn từ QL51 qua huyện Châu Đức rồi sang Xuyên Mộc vốn là đường mòn, nhiều ổ voi, ổ gà nay đã trở thành đường cấp 4 đồng bằng với mặt bê tông nhựa nóng. Đặc biệt, đường Mỹ Xuân còn từng được xếp là một trong những “Con đường giao thông nông thôn đẹp Việt Nam”. 

Tỉnh lộ 328 cũng đạt giải Nhì cuộc thi con đường đẹp Việt Nam năm 1999. Đường Quang Trung - Hạ Long (Bãi Trước, Vũng Tàu) trở thành là con đường đô thị đẹp của Việt Nam năm 2001.

Một góc thành phố Vũng Tàu nhìn từ trên cao.

Ngoài những con đường thắng các giải thưởng lớn, Vũng Tàu còn sở hữu nhiều con đường ven biển đẹp say lòng du khách. Điển hình là đường ven biển nối từ Vũng Tàu sang đến Xuyên Mộc đã trở thành điểm check-in của nhiều bạn trẻ và giới phượt thủ.

Không những vậy, tỉnh cũng tích cực triển khai các hạng mục công trình đô thị như: Công viên, đèn đường, trang trí dải phân cách, cầu nội thị… đầy sáng tạo, đẹp mắt gắn với bản sắc của địa phương tạo ra hình ảnh độc đáo riêng có.

Bãi Trước và Bãi Sau của thành phố Vũng Tàu năm 2021 đã được lắp đặt hệ thống đường cao áp sáng rực, phục vụ nhu cầu tắm biển, vui chơi, giải trí của người dân và du khách về đêm. Nhiều công viên được đầu tư làm mới phần sân lát gạch, bố trí đèn chiếu sáng, đèn trang trí, làm lối đi trong công viên, cải tạo cây xanh nhằm tạo cảnh quan cho người dân tận hưởng cuộc sống đô thị “xanh - sạch - đẹp”. 

Những thay đổi tích cực giúp Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện mục tiêu đến năm 2030 sẽ cơ bản đủ tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc trung ương, các khu vực Vũng Tàu, Bà Rịa, Phú Mỹ, Long Điền, Long Hải đạt tiêu chí của đô thị loại I.

"Có đường, có điện là có phát triển. Một loạt các khu công nghiệp, cảng biển, khu du lịch, các vùng kinh tế dân sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu thịnh vượng như hiện nay là nhờ mạng lưới giao thông thủy, bộ", Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tuấn Minh khẳng định. 

Những công trình “nối nhịp bờ vui”

Trong Kế hoạch hành động số 58/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, Bà Rịa - Vũng Tàu đề ra nhiệm vụ trọng tâm là triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức, vùng, khu vực và thế giới.

Nhận thức được tầm quan trọng của hạ tầng giao thông trong tiến trình phát triển của địa phương nói riêng và của đất nước nói chung, những công tác chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội từng bước được đầu tư theo quy hoạch tại Bà Rịa - Vũng Tàu.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Diện mạo hiện đại của đô thị đáng sống hàng đầu Nam Bộ - 3

Vừa qua, nhiều công trình trọng điểm của đất nước đã đồng loạt khởi công như Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An, đường ĐT 994... Đây đều là các tuyến giao thông huyết mạch giúp tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, tạo liên kết vùng mạnh mẽ, kết nối Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh miền Đông Nam Bộ khác.

Những con đường nội ô hiện đại tại Vũng Tàu.

Những con đường nội ô hiện đại tại Vũng Tàu.

Di chuyển từ TP.HCM tới Bà Rịa - Vũng Tàu cũng rút ngắn thời gian nhờ Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và đường 319 nối dài. 

Theo đó, đi từ TP.HCM đến thành phố Vũng Tàu chỉ còn 95 km thay vì 120 km với khoảng 1 giờ 20 phút di chuyển.

Với kỳ vọng xây dựng những cung đường trọng điểm có tính kết nối xa hơn để kinh tế tiếp tục "cất cánh", Bà Rịa - Vũng Tàu đã đề nghị Bộ GTVT, Cục Đường sắt Việt Nam điều chỉnh tiến độ quy hoạch đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đoạn tuyến Biên Hòa - Phú Mỹ trong giai đoạn 2021 - 2030 làm cơ sở để sớm triển khai. 

Tăng tốc đồng bộ hạ tầng logistics

Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực”. 

Để thực hiện mục tiêu trên, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng trên địa bàn tỉnh tại khu vực thị xã Phú Mỹ và thành phố Vũng Tàu. Nếu như Vũng Tàu được định hướng để trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế thì Phú Mỹ sẽ trở thành trung tâm công nghiệp - dịch vụ - đô thị có sức cạnh tranh cao, với hệ sinh thái cởi mở, trẻ trung, sôi động và mang hơi thở của thời đại số.

Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tích cực tạo ra hành lang chính sách để khuyến khích thành lập các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp dịch vụ logistics theo phương châm hiện đại, chuyên nghiệp nhằm đảm bảo sức cạnh tranh trên thị trường trong nước.

Xác định cảng biển - logistics là một trong 4 trụ cột phát triển kinh tế của tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu đang từng bước hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép - Thị Vải thành cảng trung chuyển quốc tế lớn tầm cỡ châu Á và thế giới, gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - TP Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu và hành lang kinh tế xuyên Á. 

Hạ tầng giao thông phát triển là nền tảng để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics vùng Đông Nam Bộ.

Hạ tầng giao thông phát triển là nền tảng để Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics vùng Đông Nam Bộ.

Hiện nay, Cái Mép - Thị Vải là 1 trong 2 cảng biển loại đặc biệt của quốc gia, có năng lực đón tàu trọng tải lên đến 250.000 tấn. Đây cũng là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ và thu hút được nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hàng hải như Tập đoàn SSA Marine - Mỹ, Tập đoàn PSA - Singapore, Tập đoàn APMT - Đan Mạch, Tập đoàn Hutchison Port Holding - Hong Kong… tham gia đầu tư, khai thác.

Để phát huy tối đa tiềm năng của cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung nguồn lực giải quyết các điểm nghẽn về hạ tầng giao thông kết nối cảng, quan tâm phát triển hạ tầng logistics sau cảng như trung tâm phân phối, các depot cho xe tải, công rỗng, cảng cạn…

Tỉnh cũng nâng cấp, nạo vét các tuyến luồng để thuận tiện cho các tàu lớn cập cảng. Các dịch vụ cảng biển như hải quan, kiểm dịch, tài chính bảo hiểm được tối ưu hóa để tạo sự đồng bộ.

Ngoài ra, tỉnh đang có kế hoạch phát triển hạ tầng logistics gắn với hạ tầng thương mại và hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối công nghệ cao. Điều này sẽ giúp hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển quốc gia loại đặc biệt với cảng hàng không quốc tế Long Thành. Từ đó, hình thành hệ sinh thái dịch vụ logistics bao gồm đầy đủ hệ thống kho bãi, cảng cạn, trung tâm logistics, đại lý hãng tàu, đại lý môi giới hàng hải... 

Sự đồng bộ trong hạ tầng giao thông, logistics, cảng biển ngày càng giúp Bà Rịa - Vũng Tàu tạo sức bật mạnh mẽ, tạo nên bức tranh đô thị đẳng cấp quốc tế, hòa nhịp vào sự phát triển của thế giới.

 

Trở về đầu trang